GIÁM ĐỊNH ADN HÀI CỐT LIỆT SĨ – NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT

Đã hơn 40 năm kể từ ngày đất nước được thống nhất, nhưng công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sĩ hy sinh vẫn đang là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Giám định ADN hài cốt Liệt sĩ là một trong những chương trình hành động được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục trong suốt nhiều năm qua nhằm xác định danh tính của các Liệt sĩ còn thiếu thông tin.

ĐỀ ÁN GIÁM ĐỊNH ADN HÀI CỐT LIỆT SĨ

Mặc dù chiến tranh đã đi qua rất lâu nhưng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, chúng ta vẫn đang còn thiếu thông tin của khoảng 500.000 hài cốt Liệt sĩ vẫn chưa được định danh. Trong số đó có gần 300,000 hài cốt Liệt sĩ nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, Lào và Campuchia chưa được quy tập về các nghĩa trang Liệt sĩ. Cùng với đó là gần 300,000 hài cốt Liệt sĩ đã được quy tập và an táng tại các nghĩa trang Liệt sĩ trên cả nước nhưng còn thiếu thông tin.

“chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, thời gian không chờ đợi chúng ta nữa, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ để đưa các anh, các chú về an nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ không chỉ là nhiệm vụ chính trị, là tình cảm của thế hệ đi sau đối với các liệt sĩ, mà là mệnh lệnh từ trái tim của những người đang sống, những người đang được hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay. Bằng tất cả tấm lòng, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm kể cả từ những manh mối dù nhỏ nhất để giúp cho thân nhân các liệt sĩ vơi đi nỗi đau và cũng để hương hồn các anh được về với gia đình, đồng đội”

Trên thực tế, việc quy tập hài cốt Liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước thực hiện ngay sau ngày đất nước thống nhất, nhưng để việc tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sĩ được đẩy nhanh và hiệu quả hơn, ngày 27/7/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1237/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo (thường gọi là Đề án 1237).

Trước đó, ngày 14 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg, qua đó phê duyệt Đề án xác định hài cốt Liệt sĩ còn thiếu thông tin với mục tiêu cụ thể là:

Mục tiêu giám định ADN hài cốt Liệt sĩ đến năm 2015

a) Xây dựng và hoàn thiện quy trình xác định danh tính Liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng trung tâm lưu giữ nguồn gen đã được giám định để phục vụ cho công tác xác định hài cốt Liệt sĩ còn thiếu thông tin;

b) Điều tra tại 63 tỉnh, thành phố để thu thập, tổng hợp, cập nhật, bổ sung thông tin về Liệt sĩ và thân nhân Liệt sĩ. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về Liệt sĩ, thân nhân Liệt sĩ còn thiếu thông tin, thông tin về mộ và nghĩa trang Liệt sĩ;

c) Thực hiện việc lấy mẫu sinh phẩm hài cốt Liệt sĩ để giám định gen;

d) Xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin khoảng 3.000 hài cốt Liệt sĩ; phương pháp giám định gen khoảng 10.000 hài cốt Liệt sĩ (khoảng 5% số hài cốt hiện chưa có thông tin).

Mục tiêu giám định ADN hài cốt Liệt sĩ đến năm 2020

a) Xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan về xác định hài cốt Liệt sĩ còn thiếu thông tin;

b) Xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin đạt 7.000 hài cốt Liệt sĩ; phương pháp giám định gen đạt 70.000 hài cốt Liệt sĩ (khoảng 20% số hài cốt hiện chưa có thông tin).

>> Xem thêm:

PHƯƠNG PHÁP GIÁM ĐỊNH ADN HÀI CỐT LIỆT SĨ

lay mau giam dinh ADN hai cot liet si 5

Ảnh: Báo Nghệ An

Hài cốt là phần còn xót lại của thi thể Liệt sĩ sau một thời gian dài phần thịt, da, nội tạng, phần cơ, máu của thi thể đã bị phân hủy hết theo thời gian.

Do cấu trúc xương có đặc điểm cứng chắc và bền với các yêu tố của môi trường bên ngoài nên phần xương của hài cốt có thể tồn tại đến tầm 50-100 năm tùy thuộc vào điều kiện mà hài cốt đang nằm như: vị trí khô ráo hay ẩm ướt, nhiệt độ thấp hay cao, có nhiều loại thực vật có rễ cây mọc dài ở cạnh đó không…

Phần xương hài cốt này chỉ còn lại duy nhất yếu tố di truyền là các ADN ty thể, đặc điểm của ADN ty thể này là có tính di truyền theo dòng  Mẹ, nghĩa là những người cùng một mẹ sinh ra sẽ có cùng hệ gen ADN ty thể.

Chính vì vậy, phương pháp giám định ADN hài cốt Liệt sĩ hiệu quả và chính xác nhất hiện tại là thông quan xét nghiệm ADN ty thể của mẫu hài cốt Liệt sĩ và mẫu ADN của thân nhân gia đình Liệt sĩ mà có quan hệ theo dòng Mẹ (cùng chung phả hệ theo dòng họ Mẹ sinh ra sẽ có hệ gen ADN ty thể giống nhau).

>>> Xem thêm: ADN ty thể là gì?

Tiêu chuẩn lấy mẫu hài cốt giám định ADN Liệt sĩ

Theo Công văn số 600/NCC-TBLS ngày 21/6/2012 của Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có hướng dẫn lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, trong đó chỉ lấy mẫu sinh phẩm đối với những hài cốt liệt sĩ còn cốt (xương) và lấy mẫu theo thứ tự ưu tiên như sau:

* Răng: Lấy từ 1 – 2 răng còn nguyên vẹn của bộ hài cốt (ưu tiên các răng từ lớn đến nhỏ).

* Xương: Lấy 01 mẫu xương với kích thước tối thiểu 2 x 2cm theo thứ tự ưu tiên: xương dài, xương ngắn, xương khó định hình, xương dẹt, xương vừng. Lựa chọn các mẫu xương còn chắc nhất, nguyên vẹn nhất.

Trong trường hợp hài cốt đã mủn nát, không thể thu thập được răng hoặc các mảnh xương nguyên vẹn thì cố gắng chọn lựa các mẩu xương tốt nhất còn sót lại.

Mẫu hài cốt sau khi lấy phải được bảo quản trong túi nilon có niêm phong xác nhận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nơi quản lý mộ), ngoài bì ghi rõ xác định danh tính đối với liệt sĩ (họ và tên, nguyên quán, ngày tháng năm hy sinh), thời gian, địa điểm, thông tin liên quan, tình trạng chung, tình trạng mẫu, vị trí của mẫu trong hài cốt và ký hiệu mẫu sinh phẩm.

Ký hiệu mẫu sinh phẩm được viết bằng chữ in hoa bao gồm: Ký hiệu tên địa phương đang quản lý mộ (sử dụng ký hiệu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Thông tư hướng dẫn số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), gạch chéo rồi ghi tiếp tên nghĩa trang liệt sĩ nơi lấy mẫu (ghi rõ khu, lô, hàng, mộ) hoặc địa chỉ nơi lấy mẫu, gạch chéo rồi ghi tiếp ngày tháng năm lấy mẫu.

Tiêu chuẩn lấy mẫu sinh phẩm thân nhân Liệt sĩ

* Đối tượng lấy mẫu sinh phẩm

Tại Công văn số 600/NCC-TBLS ngày 21/6/2012 của Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có quy định đối tượng lấy mẫu sinh phẩm thân nhân gồm it nhất là mẫu của 2 trong số những người thân có mối quan hệ huyết thống theo dòng Mẹ của Liệt sĩ, cụ thể như sau:

  • Nhóm ưu tiên số 1: Mẹ đẻ; bà ngoại của Liệt sĩ;
  • Nhóm ưu tiên số 2: Anh, chị, em cùng mẹ với Liệt sĩ;
  • Nhóm ưu tiên số 3: Bác, cậu, dì là anh chị em ruột của mẹ đẻ Liệt sĩ;

Khi không có thân nhân là những người ở các nhóm ưu tiên nêu trên, có thể lấy của những người có quan hệ họ hàng xa hơn nhưng vẫn có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ với Liệt sĩ như:

  • Anh, chị, em là con của chị gái, em gái của mẹ đẻ Liệt sĩ;
  • Con của chị gái, em gái của Liệt sĩ;

Tất cả các nhóm thân nhân làm giám định ADN nêu trên đều phải đảm bảo tiêu chí là cùng mẹ hoặc là người thân bên ngoại với Liệt sĩ.

lấy mẫu sinh phẩm thân nhân Liệt sĩ

Ảnh: Báo Dân Sinh

* Mẫu sinh phẩm

Mẫu tóc: Lấy từ 10 đến 20 sợi tóc có cả chân tóc.

Mẫu móng tay hoặc móng chân: Cắt từ 5 – 10 mẫu móng tay hoặc móng chân sau khi đã rửa sạch móng nơi cắt bằng xà phòng và bàn chải.

Mẫu sinh phẩm của thân nhân phải được gói trong giấy sạch hoặc cho vào phong bì, bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Đặt mẫu sinh phẩm của mỗi thân nhân trong một bì thư, ngoài bì ghi rõ họ tên người được lấy mẫu, tuổi, nguyên quán, trú quán và quan hệ với liệt sĩ, điện thoại liên hệ.

Lưu ý: không dùng túi nilon kín để đựng mẫu sinh phẩm của thân nhân vì dễ bị hấp hơi làm hỏng mẫu.

THỦ TỤC GIÁM ĐỊNH ADN HÀI CỐT LIỆT SĨ

Gửi mẫu sinh phẩm

Sau khi tiến hành lấy đủ mẫu sinh phẩm hài cốt Liệt sĩ và mẫu sinh phẩm của thân nhân Liệt sĩ, trong thời gian không quá 5 ngày, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thân nhân Liệt sĩ đang cư trú có trách nhiệm gửi ngay bộ mẫu sinh phẩm kèm công văn và các giấy tờ liên quan đến Cục Người có công để chuyển mẫu đến Trung tâm giám định ADN thực hiện việc xác định danh tính hài cốt Liệt sĩ.

Trường hợp thân nhân Liệt sĩ có nguyện vọng trực tiếp mang mẫu sinh phẩm đến Cục Người có công thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giới thiệu.

Trả kết quả giám định

– Các đơn vị giám định ADN sẽ chuyển kết quả giám định đến Cục Người có công.

– Căn cứ kết quả giám định ADN, Cục Người có công có công văn thông báo đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và đại diện thân nhân Liệt sĩ biết.

– Những trường hợp sau khi đã giám định ADN xác định được hài cốt Liệt sĩ đúng cùng huyết thống với thân nhân Liệt sĩ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nơi có mộ) chỉ đạo việc gắn bia ghi tên Liệt sĩ và thực hiện chính sách theo quy định. Trường hợp sau khi đã giám định ADN cho kết quả hài cốt Liệt sĩ không cùng huyết thống với thân nhân Liệt sĩ thì trên bia mộ Liệt sĩ vẫn giữ nguyên những thông tin như ban đầu đã có.

– Những hài cốt Liệt sĩ đã lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN xác định danh tính, Sở lập danh sách theo dõi và thực hiện quản lý thông tin liên quan đến việc lấy mẫu sinh phẩm giám định lưu trong hồ sơ mộ chí.

Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện việc giám định ADN để xác định danh tính Liệt sĩ do ngân sách Nhà nước đảm bảo từ kinh phí mộ, nghĩa trang Liệt sĩ trong kinh phí thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công được giao trong dự toán hàng năm của Cục người có công để thực hiện đặt hàng đối với cơ quan giám định.

Chỉ thực hiện việc giám định ADN và hỗ trợ kinh phí một lần đối với mỗi Liệt sĩ cần xác định danh tính.

HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ GIÁM ĐỊNH GEN HÀI CỐT LIỆT SĨ

Theo Thông báo của Phòng Thông tin liệt sĩ- Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) về thủ tục Hồ sơ đề nghị giám định Gen xác định danh tính Liệt sĩ hiện nay gồm các giấy tờ sau:

  1. Đơn đề nghị giám định gen (Theo mẫu đơn kèm theo);
  2. Bản sao Giấy báo tử hoặc bản sao Bằng Tổ quốc ghi công;
  3. Bản trích lục thông tin quân nhân mất tin, mất tích cấp tại Bộ chỉ huy quân sự nơi nguyên quán của Liệt sĩ hoặc Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị
  4. Giấy xác nhận của Ban quản lý nghĩa trang (Xác nhận về vị trí mộ và thông tin trên bia mộ);

Các giấy tờ trên gửi về Cục Người có công – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ TÌM KIẾM, QUY TẬP VÀ XÁC ĐỊNH DANH TÍNH HÀI CỐT LIỆT SĨ

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia) trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 1237) và Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Ban Chỉ đạo 150).

Theo quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia. Các Phó Trưởng ban gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ

Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia gồm: Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thứ trưởng Bộ Y tế; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Cục trưởng Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Cục trưởng Cục Người có công/Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Mời đồng chí Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia Ban Chỉ đạo quốc gia.

Ban Chỉ đạo quốc gia là tổ chức giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 và Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, kiểm tra sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức, triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; điều phối hoạt động của Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ; tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Đồng thời, chỉ đạo các quân khu, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiện toàn Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới; thành lập các Đoàn của Ban Chỉ đạo để kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp thiếu trách nhiệm, lợi dụng hoặc làm trái…

Ban Chỉ đạo quốc gia làm việc theo Quy chế hoạt động do Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia ban hành và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ- TB&XH là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia; chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

KẾT LUẬN

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng hoạt động giám định ADN hài cốt Liệt sĩ hiện nay đang nhận được sự chỉ đạo rất sát sao từ cấp Trung ương đến địa phương.

Chính phủ cũng đã có những chương trình hành động đối với hoạt động quy tập và giám định ADN hài cốt Liệt sĩ.

Hiện nay, đầu mối liên hệ và trao đổi thông tin về Liệt sĩ đang được giao cho Sở LĐ-TB & XH các tỉnh và Cục Người Có Công (Bộ LĐ-TB & XH) làm đầu mối cấp Nhà nước.

Các gia đình có nhu cầu liên hệ tìm kiếm thông tin hài cốt Liệt sĩ hoặc giám định ADN hài cốt Liệt sĩ có thể liên hệ trực tiếp với Phòng Thông tin Liệt sĩ, Cục Người Có Công theo số điện thoại: 0243.7349765

Hoặc truy cập Website: www.nguoicocong.gov.vn

THÔNG TIN THAM KHẢO

  • Cổng thông tin – Cục Người Có Công
  • Cổng thông tin – Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam
  • Thủ tục đăng ký hồ sơ giám định ADN trực tuyến
  • Hệ thống cơ sở dữ liệu Liệt sĩ
  • Trang thông tin tìm kiếm Liệt sĩ tại các nghĩa trang ở Quảng Trị

Leave a Reply